Tiểu sử Hoàng_Quốc_Việt

Ông tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28 tháng 5 năm 1905, tại Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh.

Ông tham gia các phong trào cách mạng từ năm 1925, cùng hoạt động với Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự. Năm 1925, học năm thứ ba Trường Kĩ nghệ Thực hành ở Hải Phòng, tham gia phong trào bãi khoá và biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học, Hoàng Quốc Việt lên mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên) làm thợ nguội rồi về làm ở mỏ Mạo Khê (Quảng Yên) và Nhà máy cơ khí Carông (Hải Phòng). Năm 1928, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, ông bị đuổi ra khỏi nhà máy, sau đó được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động cách mạng bí mật.

Năm 1930 ông vào Nam Kỳ và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng bị Pháp bắt (khi được cử cùng Phạm Hữu Lầu ra bắc họp hội nghị thực hiện việc hợp nhất Đảng), và xử tù chung thân cùng với Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... nhưng đến năm 1936 thì được trả tự do. Ngày 14-5-1930, ông bị bắt tại nhà số 6, phố Touran, thành phố Hải Phòng, còn Phạm Hữu Lầu bị bắt tại Hải Phòng ngày 24-7-1930.

Ông trở về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, cùng một số đồng chí của mình khôi phục tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ.

Năm 1937, ông được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1938, do bị chính quyền trục xuất khỏi Hà Nội, Hoàng Quốc Việt về hoạt động ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Năm 1941, ông tham dự Hội nghị VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Hồ Chí Minh chủ trì, được cử vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu làm Ủy viên Thường vụ Trung ương. Ông tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám, sau đó được cử vào Nam công tác, làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam (đến 16/7/1946, được thay bởi Nguyễn Văn Duẩn).[1]

Tại Đại hội II Đảng Cộng sản Việt Nam (1951), ông lại được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận, và giữ cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.

Vào tháng 9 năm 1956 trong chiến dịch sửa sai về vụ Cải cách ruộng đất, Hoàng Quốc Việt, với trách nhiệm Trưởng ban chỉ đạo thí điểm tỉnh Thái Nguyên, bị cho ra khỏi Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam.

Năm 1960, ông được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Trung. Tháng 12 năm 1976, trong Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ: Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977), Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1983), Đại biểu Quốc hội từ khóa V-VIII.

Ông mất ngày 25 tháng 12 năm 1992, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.

Vợ ông là bà Khuất Thị Bảy, em của ông Khuất Duy Tiến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội những năm 50.